Khi bị khó tiêu nên ăn uống gì? 5 Mẹo giảm khó tiêu đơn giản

Khi bị khó tiêu nên ăn uống gì? 5 Mẹo giảm khó tiêu đơn giản

Đầy bụng, khó tiêu là những triệu chứng thường gặp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ triệu chứng trên đang cảnh báo tình trạng gì. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về chứng khó tiêu và một số mẹo khắc phục đơn giản có thể thực hiện ngay tại nhà.

khó tiêu

Ăn uống khó tiêu là bệnh gì?

Khó tiêu là một tình trạng phổ biến gây đau bụng, ợ hơi, buồn nôn, chướng bụng và khó chịu ở vùng thượng vị. Khó tiêu có thể là do rối loạn chức năng hệ tiêu hoá mà không có tổn thương nào. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý đường tiêu hoá.

Một số nguyên nhân gây ăn uống khó tiêu:

Do chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh

Chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh có thể tác động xấu đến chức năng hệ tiêu hoá như:

  • Thường xuyên uống rượu bia và các đồ uống có chứa caffeine
  • Hút thuốc lá
  • Tiêu thụ các thực phẩm có tính kích thích dạ dày. Như thực phẩm cay, chua, nóng, thực phẩm còn sống ( tiết canh, nem chua, gỏi cá,… ), nước uống có gas,…
  • Thường xuyên sử dụng các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo, đồ ăn nhanh,…
  • Tình trạng thừa cân, béo phì
  • Thường xuyên lo lắng, căng thẳng kéo dài

Do thuốc

Một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá và gây chướng bụng, khó tiêu như:

  • Thuốc nhóm NSAIDs: Ibuprofen, Aspirin, Naproxen
  • Nhóm thuốc chứa nitrat
  • Một số thuốc khác: kháng sinh, steroid, theophyllines, bisphosphonates,…

nguyên nhân gây khó tiêu

Do bệnh lý

Bên cạnh những nguyên nhân trên, khó tiêu còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiêu hoá như:

  • Viêm loét dạ dày – tá tràng

Viêm loét dạ dày – tá tràng là bệnh lý xuất hiện tổn thương, viêm loét trên niêm mạc dạ dày, tá tràng. Viêm loét gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hoá của dạ dày. Gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đầy bụng, khó tiêu, đầy hơi chướng bụng, đau bụng vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua,…

Xem thêm: Dấu hiệu giúp bạn phát hiện bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng 

  • Trào ngược dạ dày – thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản cũng là một bệnh lý phổ biến gây ra tình trạng khó tiêu ở dạ dày. Bệnh xuất hiện khi axit và các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản, có thể lên tới vòm họng và gây ra các triệu chứng khó chịu. Điển hình như khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn, nôn, vướng nghẹn vùng cổ họng, nóng rát thực quản, ợ hơi, ợ chua,…

Xem ngay: Tất cả thông tin cần biết về bệnh trào ngược dạ dày – thực quản

  • Bệnh lý khác

Một số bệnh lý khác cũng có thể gây khó tiêu như ngộ độc thực phẩm, thoát vị hoành, nhiễm trùng ( vi khuẩn HP ), viêm tuỵ, ung thư dạ dày,…

Khi khó tiêu kéo dài mà không thuyên giảm, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra và cho chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả.

Bị khó tiêu nên làm gì? 5 Mẹo giúp khắc phục hiệu quả ngay tại nhà

5 mẹo khắc phục chứng khó tiêu tại nhà

Bạn có thể áp dụng một số mẹo sau đây để giảm nhanh chóng tình trạng khó tiêu:

1. Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống

Một phần nguyên nhân gây khó tiêu xuất phát từ chế độ ăn uống và lối sống không lành mạnh. Do đó, bạn cần lưu ý:

  • Không nên sử dụng rượu, bia, cà phê, thuốc lá
  • Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm gây kích thích dạ dày như: đồ cay nóng, chua, nước ngọt có gas, thực phẩm sống,…
  • Ăn chậm, nhai kỹ. Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để giảm gánh nặng cho dạ dày
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh như: xúc xích, thịt xông khói, khoai tây chiên,…
  • Không nằm ngay sau khi ăn

2. Bị khó tiêu nên ăn gì? Mách bạn chế độ ăn uống BRAT

Chế độ ăn uống BRAT rất có ích trong trường hợp bạn đang gặp chứng khó tiêu. Chế độ ăn này bao gồm: Chuối, cơm, sốt táo và bánh mì nướng. Đây là những thực phẩm dễ tiêu hoá cho người bị đầy bụng khó tiêu. Bạn có thể bổ sung vào chế độ ăn uống của mình các món luộc, hấp như khoai tây luộc, nước hầm gà, bột yến mạch,…

Bên cạnh chế độ ăn BRAT, bạn nên cung cấp thêm chất xơ. Chất xơ có vai trò quan trọng đối với hệ tiêu hoá, giúp hạn chế tình trạng táo bón.  Bạn có thể bổ sung chất xơ từ các nguồn thực phẩm như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,… 

3. Bị khó tiêu nên uống gì? TOP 3 loại trà nên uống

Khi bị khó tiêu, bạn có thể sử dụng một số loại trà thảo mộc như:

Trà gừng

Gừng là một vị thuốc trong đông y, thường dùng trong các bệnh tiêu hoá như đầy bụng, khó tiêu, bệnh dạ dày,… Uống một tách trà gừng có thể làm dịu dạ dày và giảm được tình trạng khó tiêu. Bạn có thể sử dụng gừng tươi hoặc sử dụng trà pha sẵn có bán trên thị trường. Thêm một chút nước cốt chanh hoặc mật ong để thêm hương vị thơm ngon.

Lưu ý, hạn chế sử dụng quá 3 – 4 gam gừng mỗi ngày. Bởi khi tiêu thụ quá nhiều, gừng có thể gây đầy hơi, bỏng rát cổ họng và ợ chua.

Trà hoa cúc

Trà hoa cúc giúp làm dịu sự lo lắng và chữa mất ngủ rất hiệu quả. Bên cạnh đó, loại trà này cũng có thể làm dịu sự khó chịu ở dạ dày và giảm chứng khó tiêu bằng cách giảm axit dạ dày. 

Để pha trà hoa cúc, bạn lấy một ít hoa cúc hãm trong nước sôi khoảng 10 phút. Chắt lấy nước và thêm mật ong để trà thêm thơm ngon. 

Lưu ý nên thảo khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống trà hoa cúc nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu. Bởi trong thành phần của hoa cúc có chứa hoạt chất có tác dụng như một chất chống đông máu. Khi kết hợp cùng thuốc sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu.

Trà cam thảo

Rễ cam thảo có thể làm dịu co thắt và viêm trong đường tiêu hoá, do vậy có thể giúp giảm khó tiêu. Để pha trà cam thảo, bạn cho rễ cam thảo vào nước sôi và hãm lấy nước. Uống 30 phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn.

Lưu ý, mặc dù có hiệu quả lớn đối với chứng khó tiêu những rễ cam thảo có thể gây mất cân bằng natri và kali, ảnh hưởng huyết áp với liều lượng lớn. Do vậy, không nên tiêu thụ quá 2,5g rễ cam thảo khô mỗi ngày.

4. Bổ sung men vi sinh

Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột cũng là một nguyên nhân gây đầy bụng, khó tiêu. Đặc biệt là sau khi sử dụng kháng sinh kéo dài, khi bị nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, ngộ độc thức ăn,… Các hại khuẩn sinh sôi và phát triển, tiết ra nhiều chất gây khó khăn cho quá trình tiêu hoá.

Do vậy, bạn có thể bổ sung các loại men vi sinh, sữa chua, các thực phẩm lên men để cải thiện chứng khó tiêu.

5. Sử dụng một số loại thuốc

Một số loại thuốc có khả năng trung hòa axit dạ dày, giảm tiết axit dạ dày để điều trị các bệnh lý về tiêu hoá như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày. Qua đó, giảm được các triệu chứng do bệnh gây ra.

Xem thêm: 5 Nhóm Thuốc Trị Viêm Loét Dạ Dày Thường Dùng Nhất Hiện Nay

Cần biết rằng, các biện pháp kể trên chỉ giúp ích cải thiện được một phần triệu chứng. Để chữa dứt điểm chứng khó tiêu, bạn cần đến bệnh viện thăm khám và xác định nguyên nhân gây khó tiêu là gì. Từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả từ nguyên nhân đến triệu chứng. Chúc các bạn sớm khỏe!

Lưu ý: Những thông tin chúng tôi cung cấp trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

Bình luận