Ung thư dạ dày là một căn bệnh ác tính, cướp đi tính mạng của rất nhiều người mỗi năm. Tuy nguy hiểm, nhưng nếu phát hiện được dấu hiệu ung thư từ giai đoạn sớm, người bệnh hoàn toàn có thể được chữa trị kịp thời.
Ung thư dạ dày là gì? Có lây không?
Ung thư dạ dày là sự phát triển bất thường của các tế bào trong dạ dày. Dạ dày là một phần của hệ thống tiêu hoá. Có chức năng chứa đựng, xử lý một phần thức ăn và đưa thức ăn xuống ruột non.
Các nhà khoa học chưa biết chính xác nguyên nhân gây ung thư là gì. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori ( vi khuẩn HP )
- Viêm loét dạ dày mãn tính
- Thiếu máu ác tính
- Polyp dạ dày
- Nhiễm virus Epstein-Barr
- Di truyền: Trong gia đình có người thân mắc ung thư
- Hút thuốc lá
- Có chế độ ăn nhiều muối, ít trái cây và rau quả
- Lớn tuổi
- Nam giới
Như vậy, ung thư dạ dày không có tính chất lây nhiễm từ người này sang người khác.
Ung thư dạ dày có mấy giai đoạn?
Ung thư dạ dày được chia làm các giai đoạn sau:
Giai đoạn 0
Trong giai đoạn 0, các tế bào bất thường được tìm thấy trong niêm mạc của thành dạ dày ( lớp trong cùng). Các tế bào bất thường này có thể trở thành ung thư và lan sang các mô lân cận. Giai đoạn 0 còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ.
Giai đoạn I
Ung thư đã hình thành ở niêm mạc của thành dạ dày và có thể đã lan xuống lớp dưới niêm mạc hoặc lớp cơ. Ở giai đoạn này, ung thư có thể lan đến 1 hoặc 2 hạch bạch huyết gần đấy.
Giai đoạn II
Ung thư lan xuống lớp dưới niêm mạc, lớp mô liên kết, lớp cơ, lớp thanh mạc và các hạch bạch huyết gần.
Giai đoạn III
Ung thư đã lan rộng khắp các tổ chức của dạ dày, đến hạch bạch huyết và một số cơ quan lân cận. Như lá lách , ruột non , gan , cơ hoành , tuyến tụy , thành bụng , tuyến thượng thận , thận hoặc đến phần sau của bụng.
Giai đoạn IV
Trong giai đoạn IV , ung thư đã lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể. Như phổi , gan , hạch bạch huyết xa,…
7 Dấu hiệu và biểu hiện ung thư dạ dày
Dấu hiệu và biểu hiện của bệnh còn phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Ung thư dạ dày giai đoạn đầu thường có các triệu chứng mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hoá khác.
Một số dấu hiệu của ung thư giai đoạn đầu là:
- Cảm giác đầy bụng sau khi ăn
- Khó tiêu và khó chịu ở dạ dày
- Buồn nôn nhẹ
- Ợ nóng
- Chán ăn, ăn không ngon
Khi ung thư tiến triển đến giai đoạn sau có thể xảy ra các triệu chứng như:
- Có máu lẫn trong phân
- Buồn nôn sau khi ăn, nôn ra máu
- Đau bụng trên rốn
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Vàng mắt, vàng da
- Cổ chướng ( Hiện tượng tích tụ các chất lỏng trong bụng )
- Khó nuốt
Khi gặp các dấu hiệu này, bạn hãy nhanh chóng đến bệnh viện và thăm khám chẩn đoán chính xác bệnh. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả chẩn đoán để đưa ra phác đồ điều trị hợp lý cho bệnh nhân.
Các phương pháp chẩn đoán bệnh
Để xác định bạn có bị ung thư dạ dày hay không, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc khám sức khỏe. Thông qua tiền sử mắc bệnh và các triệu chứng mà bạn gặp phải. Sau đó, bạn sẽ phải thực hiện một số xét nghiệm như:
- Nội soi dạ dày: Bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi mềm có gắn camera để nhìn từ cổ họng, thực quản và dạ dày. Từ có, xem xét các bất thường hay tổn thương trên niêm mạc dạ dày.
- Xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu ung thư trong cơ thể.
- Sinh thiết: Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô. Mẫu mô được đem đi kiểm tra để phát hiện các tế bào ác tính.
- Chụp cắt lớp vi tính, Chụp X – quang dạ dày.
Phát hiện sớm ung thư từ giai đoạn đầu rất có ích cho việc điều trị bệnh.
Ung thư dạ dày có chữa được không?
Ung thư dạ dày có chữa được không phụ thuộc vào việc bạn phát hiện ung thư ở giai đoạn mấy. Khi phát hiện ung thư từ rất sớm sẽ có cơ hội chữa khỏi bệnh cao hơn.
Ở giai đoạn sau, ung thư có thể điều trị được nhưng hiếm khi có thể chữa khỏi. Đặc biệt, khi ung thư đã ở giai đoạn cuối thì không thể chữa được, chỉ điều trị duy trì sự sống cho bệnh nhân.
Ung thư dạ dày sống được bao lâu?
Thời gian sống của bệnh nhân phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Khi càng ở giai đoạn sau thì thời gian sống của bệnh nhân càng giảm.
Theo thống kê, thời gian sống của bệnh nhân theo giai đoạn ung thư như sau:
- Giai đoạn 1: 65% người bị bệnh giai đoạn 1 có khả năng sống sau khi bị ung thư 5 năm hoặc hơn.
- Giai đoạn 2: Khoảng 35% người bị bệnh giai đoạn 2 có khả năng sống sót sau khi bị ung thư 5 năm hoặc hơn.
- Giai đoạn 3: Khoảng 25% người bị bệnh giai đoạn 3 có khả năng sống sót sau khi bị ung thư 5 năm hoặc hơn.
- Giai đoạn 4: Khoảng 20% người bị bệnh giai đoạn 4 có khả năng sống sót sau khi bị ung thư 1 năm hoặc hơn.
Như vậy, ung thư dạ dày giai đoạn cuối có khả năng sốt sót sau 1 năm chỉ 20%. Hầu hết, người bệnh không sống được lâu sau khi được chẩn đoán.
Phương pháp điều trị bệnh
Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau được sử dụng cho bệnh nhân ung thư dạ dày. Trong đó, các phương pháp điều trị được sử dụng bao gồm:
- Phẫu thuật
- Nội soi cắt bỏ niêm mạc
- Hóa trị liệu
- Xạ trị
- Liệu pháp nhắm mục tiêu
- Liệu pháp miễn dịch
Tuỳ vào từng tình trạng bệnh và mong muốn của bệnh nhân mà có thể sử dụng kết hợp các liệu pháp với nhau. Bạn nên đi thăm khám và điều trị theo phác đồ mà bác sĩ đưa ra.
Người bệnh ung thư dạ dày nên ăn gì? Kiêng gì?
Khi mắc ung thư, bạn cần lưu ý chế độ ăn uống của mình:
- Hạn chế tối đa các thực phẩm chế biến sẵn: thịt xông khói, xúc xích và thịt nguội,…
- Chế độ ăn uống lành mạnh : Bổ sung các thực phẩm có nhiều chất xơ, vitamin A và vitamin C cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư.
- Không sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích
- Sử dụng nguồn chất béo lành mạnh như Dầu ô liu, Bơ, Quả hạch,…
- Ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên trong ngày
Như vậy, ung thư dạ dày là bệnh lý nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao. Vì vậy, bạn hãy chủ động trong tầm soát nguy cơ ung thư thường xuyên. Lưu ý các dấu hiệu để phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn. Chúc bạn sức khỏe!
Lưu ý: Những thông tin chúng tôi cung cấp trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh.