Vi khuẩn HP – Nguyên nhân hàng phổ biến gây viêm dạ dày - Dạ Dày An Châu

Vi khuẩn HP – Nguyên nhân hàng phổ biến gây viêm dạ dày

Trong các nguyên nhân gây viêm dạ dày – tá tràng thì vi khuẩn HP là nguyên nhân thường gặp nhất. Bên cạnh đó, chúng còn có nguy cơ gây Ung thư dạ dày rất nguy hiểm. Cùng tìm hiểu về loài vi khuẩn này trong bài viết dưới đây.

Vi khuẩn HP là gì? 

Vi khuẩn HP ( Helicobacter Pylori ) là một loại vi khuẩn, thường xâm nhập vào cơ thể và sống ở đường tiêu hoá, đặc biệt là ở trong dạ dày và tá tràng. Sau khi vi khuẩn xâm nhập vào dạ dày, chúng sẽ tấn công niêm mạc dạ dày làm mất lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc. Qua đó, axit sẽ tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc dạ dày và gây viêm loét. Theo nghiên cứu, có 1% nhiễm trùng HP dẫn tới nguy cơ ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày

Vi khuẩn HP có thể thay đổi thích nghi để sống được trong môi trường axit khắc nghiệt của dạ dày. Chúng tiết ra các chất làm thay đổi môi trường xung quanh chúng và làm giảm độ axit. Qua đó tồn tại và phát triển được.

Đa số các trường hợp nhiễm khuẩn HP không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi vi khuẩn phát triển mạnh mẽ có thể gây ra một số triệu chứng như:

  • Đau hoặc nóng rát ở vùng thượng vị, đặc biệt là khi đói
  • Chướng bụng, buồn nôn
  • Ăn không ngon, chán ăn
  • Thường xuyên ợ hơi
  • Sụt cân

Nguyên nhân có khuẩn HP trong dạ dày. Vi khuẩn HP có lây không?

Nguyên nhân chính xác nguyên nhân lây lan vi khuẩn HP sang người khác. Vi khuẩn có thể lây từ lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất nôn hoặc phân. Bên cạnh đó, vi khuẩn cũng có thể lây lan qua thức ăn hay nước bị ô nhiễm.

Một số đối tượng nguy cơ nhiễm khuẩn HP:

  • Sống chung với người bị nhiễm HP
  • Sử dụng nguồn nước sinh hoạt không sạch
  • Sống ở nước đang phát triển
  • Người da đen không phải gốc Tây Ban Nha hoặc người Mỹ gốc Mexico 

Vi khuẩn HP có tự hết được không?

Vi khuẩn HP không thể tự hết nếu không có phương pháp điều trị hợp lý. Đây là loại vi khuẩn rất phổ biến và khó tiêu diệt. Chúng có thể tự tạo ra các chất bảo vệ bản thân khỏi tác động của axit dạ dày mà không bị tiêu diệt.

Vi khuẩn HP có nguy hiểm không?

Vi khuẩn HP có thể gây biến chứng nguy hiểm

Các biến chứng liên quan đến nhiễm khuẩn HP bao gồm:

  • Viêm loét dạ dày – tá tràng

Nhiễm vi khuẩn HP rất phổ biến. Theo thống kê có tới 2/3 dân số thế giới có loại vi khuẩn này sống trong cơ thể. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HP đều bị viêm loét dạ dày – tá tràng. 

Theo Mayo Clinic, khoảng 10% những người bị nhiễm H. pylori bị viêm loét dạ dày tá tràng. Chính viêm loét dạ dày mới là tác nhân gây nhiều biến chứng nguy hiểm hơn như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, viêm phúc mạc, thiếu máu,…

Xem thêm: Tất cả thông tin cần biết về Viêm loét dạ dày – tá tràng

  • Ung thư dạ dày

Nhiễm HP là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, đặc biệt ở những người có người thân mắc bệnh.

Xem thêm: Dấu hiệu phát hiện ung thư dạ dày từ sớm

Xét nghiệm phát hiện vi khuẩn HP

Có 2 xét nghiệm có thể được dùng để kiểm tra sự có mặt của khuẩn HP:

Test vi khuẩn HP bằng hơi thở

Để tiến hành test vi khuẩn HP bằng hơi thở, bạn sẽ nuốt một chế phẩm có chứa urê. Nếu có khuẩn HP trong dạ dày, chúng sẽ giải phóng enzym và tạo ra khí CO2. Thiết bị phát hiện CO2 sẽ phát hiện được.

Hiện nay, test vi khuẩn HP bằng hơi thở có giá dao động từ 620.000đ – 780.000đ/1 lần test.

Xét nghiệm phân tìm khuẩn HP

Bên cạnh phát hiện HP thông qua test hơi thở, bác sĩ còn có thể phát hiện vi khuẩn thông qua xét nghiệm phân. Tiến hành lấy 1 mẫu phân và kiểm tra các dấu hiệu của vi khuẩn thông qua kính hiển vi.

Bên cạnh 2 xét nghiệm trên để phát hiện vi khuẩn HP, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện Nội soi dạ dày để phát hiện những tổn thương, viêm loét ở dạ dày. Xác định mức độ tổn thương có thể đưa ra được phác đồ điều trị hợp lý và hiệu quả.

Phương pháp điều trị vi khuẩn HP dạ dày

Thông thường, nếu bạn bị nhiễm HP nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào và chưa bị viêm loét dạ dày tá tràng thì chỉ cần theo dõi.

Tuy nhiên, khi HP phát triển mạnh và gây viêm loét dạ dày thì cần điều trị tiêu diệt vi khuẩn và giúp niêm mạc dạ dày nhanh hồi phục. Thường phải mất từ 1 – 2 tuần điều trị để bệnh thuyên giảm.

Một số loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày:

  • Thuốc kháng sinh:  amoxicillin , clarithromycin, metronidazole, tetracycline, hoặc tinidazole. Rất có thể sẽ phải phối hợp các thuốc kháng sinh với nhau để tăng tác dụng diệt khuẩn.
  • Thuốc ức chế tiết axit dạ dày: omeprazole, dexlansoprazole, esomeprazole, lansoprazole, pantoprazole, cimetidin…
  • Bismuth subsalicylate

Xem thêm: 5 Nhóm Thuốc Trị Viêm Loét Dạ Dày Thường Dùng Nhất Hiện Nay

Ăn gì để diệt vi khuẩn HP?

Bên cạnh việc sử dụng các loại kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn HP, bạn còn có thể lựa chọn các thực phẩm có tác dụng ức chế và tiêu diệt khuẩn HP vô cùng hiệu quả.

Ăn gì diệt vi khuẩn HP

Bạn đọc có thể tham khảo 5 thực phẩm sau:

1. Tỏi

Trong thành phần của tỏi có chứa nhiều kháng sinh tự nhiên ức chế vi khuẩn HP rất tốt. Đặc biệt, allicin trong tỏi có khả năng giảm viêm và chống oxy hoá. Bạn có thể sử dụng tỏi như 1 gia vị cho các món ăn thơm ngon.

2. Nghệ

Từ lâu, dân gian đã phát hiện ra nghệ có tác dụng tiêu mủ, kháng viêm và giúp vết thương nhanh lành. Nghệ cũng được sử dụng trong các bài thuốc nam chữa đau dạ dày, đem lại tác dụng vô cùng hiệu quả.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu có trụ sở tại các trường đại học Leeds ở Anh, Münster và Erlangen ở Đức đã chứng minh: curcumin trong nghệ có khả năng ngăn vi khuẩn HP bám vào tế bào dạ dày ( nguồn: Medical News Today )

Bạn có thể sử dụng nghệ như là 1 gia vị trong các món ăn, sử dụng tinh bột nghệ hoặc sử dụng nghệ kết hợp với mật ong để tăng tác dụng.

3. Mật ong

Đã có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh tác dụng kháng khuẩn HP của mật ong. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng: “Mật ong có hoạt tính kháng khuẩn, chống lại khuẩn HP. Việc sử dụng mật ong kết hợp với điều trị có thể giúp rút ngắn thời gian cần thiết để tiêu diệt vi khuẩn HP ra khỏi niêm mạc dạ dày ở bệnh nhân viêm dạ dày- tá tràng do Nhiễm HP.”

Bạn có thể sử dụng đơn độc mật ong hoặc sử dụng mật ong kết hợp với nghệ.

4. Nha đam

Nha đam là một thảo dược được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm:

  • Táo bón
  • Giải độc
  • Hỗ trợ tiêu hóa
  • Làm lành vết thương

Trong một nghiên cứu, gel từ bên trong lá của nha đam có hiệu quả trong cả việc ức chế sự phát triển và tiêu diệt các chủng vi khuẩn HP .Điều này cho thấy nha đam có thể có hiệu quả chống lại nhiễm trùng HP khi được sử dụng kết hợp với thuốc kháng sinh.

Nguồn nghiên cứu: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24597562/

5.Mầm bông cải xanh

Mầm bông cải xanh chứa Sulforaphane – một hợp chất được chứng minh là có thể tiêu diệt khuẩn HP. Bên cạnh đó, mầm bông cải xanh cũng có tác dụng làm giảm viêm dạ dày.

Trên đây là tất cả những thông tin mà bạn cần biết về vi khuẩn HP. Hy vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích, giúp bạn trang bị thêm kiến thức chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ.

Lưu ý: Những thông tin chúng tôi cung cấp trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. 

Bình luận