Cảm giác vướng ở cổ họng nhưng không đau là bệnh gì?

Cảm giác vướng ở cổ họng nhưng không đau là bệnh gì?

Nhiều người gặp tình trạng nuốt vướng ở cổ họng nhưng không đau, khi ăn uống thì hoàn toàn bình thường. Nhưng cảm giác khó chịu này thường xuyên xuất hiện và dai dẳng hàng năm không hết. Gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người gặp phải. 

Vậy, đây là dấu hiệu báo hiệu bệnh lý gì? Và làm sao để cải thiện hiệu quả? Cùng tìm hiểu thông tin dưới đây nhé! 

Cảm giác vướng ở cổ họng nhưng không đau là bệnh gì?

Nguyên nhân gây cảm giác vướng ở cổ họng nhưng không đau

Cổ họng có cảm giác vướng như có đờm nhưng không đau thường không phải là bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn cần biết nguyên nhân gây ra triệu chứng này để có biện pháp cải thiện hợp lý. 

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra cảm giác vướng ở cổ họng:

1. Yếu tố tâm lý

Một số yếu tố về tâm lý như căng thẳng, stress, lo lắng,… quá độ có thể dẫn tới tình trạng vướng nghẹn ở cổ họng.

2. Viêm họng hạt

Viêm họng hạt là tình trạng viêm họng mãn tính, gây cảm giác vướng ở họng như có đờm. Bệnh phổ biến và ai cũng có thể mắc phải, đặc biệt ở những người có miễn dịch yếu. Vùng họng bị viêm kéo dài, các tế bào lympho ở thành sau họng phải hoạt động liên tục, kéo dài và phình to thành các hạt. Kích thước các hạt này có thể to nhỏ khác nhau tùy từng trường hợp.

Viêm họng thường gây đau, vướng cổ họng và khó nuốt thức ăn do niêm mạc họng đang bị tổn thương, viêm nhiễm. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy ngứa họng, ho, sốt,… khi bệnh tiến triển.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm họng hạt, trong đó nhiễm khuẩn đường hô hấp là tác nhân chủ yếu. Đặc biệt, ở những người bị bệnh Trào ngược dạ dày thì viêm họng hạt là một biến chứng thường gặp. Lý do sẽ được giải thích ở phần dưới đây.

3. Trào ngược dạ dày

Cảm thấy vướng ở cổ họng nhưng không đau, đôi khi có đờm là một dấu hiệu thường gặp ở người bệnh trào ngược dạ dày. 

Trào ngược dạ dày gây cảm giác vướng ở cổ họng nhưng không đau

Trào ngược dạ dày là tình trạng có sự trào ngược axit cùng các enzym tiêu hoá ở dạ dày lên thực quản. Niêm mạc thực quản thường xuyên tiếp xúc với axit dạ dày dẫn tới tổn thương, viêm và  sưng phù. Niêm mạc bị sưng phù lên sẽ gây hẹp đường kính thực quản làm thức ăn khó đi qua hơn so với bình thường. Do vậy mà người bệnh sẽ có cảm giác khó nuốt, vướng nghẹn hoặc nuốt vướng ở cổ họng như có đờm nhưng không đau.

Bên cạnh đó, axit dạ dày với đặc tính ăn mòn khi trào ngược lên vùng hầu họng có thể gây tổn thương và viêm niêm mạc họng. Tình trạng này kéo dài dẫn tới viêm họng mãn tính, người bệnh sẽ có cảm giác vướng nghẹn ở cổ họng như có đờm.

Các triệu chứng của bệnh trào ngược có thể khác nhau ở từng người. Tuy nhiên,  khi bệnh xuất hiện thường chỉ có cảm giác vướng ở cổ họng nhưng không đau. Sau đó, người bệnh xuất hiện thêm các triệu chứng như ợ hơi, nóng rát thực quản, ợ chua buồn nôn và nôn trớ…. 

Bệnh nên được phát hiện và điều trị kịp thời để phòng những biến chứng nguy hiểm như loét thực quản, hẹp thực quản, barrett thực quản hay ung thư thực quản,…

Xem thêm: Trào ngược dạ dày là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu phát hiện bệnh

4. Barrett thực quản

Barrett thực quản là cũng tình trạng một trong những nguyên nhân gây cảm giác vướng ở cổ họng nhưng không đau. Thường gặp ở những bệnh nhân trào ngược dạ dày trong một thời gian dài. Niêm mạc liên tục tiếp xúc với axit dạ dày gây tổn thương và biến đổi bất thường để thích nghi với trào ngược.

Các tế bào lót ở thực quản liên tục tăng sinh và có thể gây hẹp đường kính thực quản hơn so với bình thường. Người bệnh sẽ cảm thấy vướng ở cổ họng như có đờm, đôi khi còn có cảm giác thức ăn bị mắc kẹt. 

Barrett thực quản nên sớm được phát hiện và chẩn đoán mức độ lành tính của bệnh. Bởi đây là một trong những nguyên nhân gây ung thư thực quản.

Xem thêm: Những thông tin cần biết về Barrett thực quản

4. Ung thư thực quản

Ung thư thực quản với sự tăng sinh tế bào mô ở thực quản một cách không kiểm soát. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy hơi vướng ở cổ họng nhưng không đau. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh sẽ cảm thấy khó nuốt, nuốt đau và cảm giác thức ăn bị mắc kẹt lại ở họng.

Xem thêm: 7 dấu hiệu phát hiện ung thư dạ dày từ giai đoạn đầu

Chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán nguyên nhân gây cảm giác vướng ở cổ họng nhưng không đau, bạn cần thực hiện một số các xét nghiệm như:

  • Thăm khám tai – mũi – họng có thể chẩn đoán được các tình trạng như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang,..
  • Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như nội soi dạ dày thực quản, chụp cộng hưởng từ, chụp vùng cổ, siêu âm tuyến giáp,… Để đánh giá có hay không các khối u bất thường.
  • Nội soi dạ dày, đo áp lực thực quản, đo độ pH thực quản,… có thể chẩn đoán được tình trạng trào ngược dạ dày.
  • Thực hiện các test tâm lý để chẩn đoán các rối loạn lo âu

Điều trị cảm giác vướng ở cổ họng nhưng không đau

Bệnh sẽ được điều trị theo nguyên nhân nếu tìm ra được. Cụ thể như:

  • Điều trị các khối u bằng phẫu thuật, hoá trị, xạ trị hoặc sử dụng các phương pháp khác tuỳ theo từng loại u cụ thể.
  • Điều trị viêm họng, viêm mũi, viêm xoang
  • Điều trị trào ngược dạ dày – thực quản
  • Điều trị sử dụng thuốc an thần, chống căng thẳng, lo âu,…
  • Bên cạnh đó, kết hợp với vệ sinh hầu họng và chế độ ăn uống lành mạnh

Trên đây là một số thông tin cung cấp về Cảm giác vướng ở cổ họng nhưng không đau. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này cũng như cách cải thiện hiệu quả, bạn nên đến bệnh viện thăm khám và nhận lời khuyên của bác sĩ.

Lưu ý: Những thông tin chúng tôi cung cấp trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh

Bình luận