Viêm loét thực quản là biến chứng thường gặp của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn tới sự thay đổi cấu trúc tế bào trong thực quản. Cùng tìm hiểu về bệnh ngay trong bài viết này để có cái nhìn tổng quan về bệnh.
Viêm loét thực quản là gì?
Viêm loét thực quản là tình trạng viêm loét của niêm mạc thực quản. Mức độ viêm loét có thể khác nhau ở từng trường hợp. Có người chỉ viêm nhẹ nhưng có người lại xuất hiện những ổ loét to gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của người bệnh.
Nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm loét thực quản là do trào ngược dạ dày ( GERD ). Đây là bệnh lý có sự trào ngược axit và các chất khác trong dịch vị lên thực quản. Axit dạ dày gây bỏng rát và tổn thương niêm mạc thực quản. Lâu dần dẫn tới viêm loét.
Xem thêm: Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Một số nguyên nhân khác cũng có khả năng gây bệnh gồm:
- Tăng bạch cầu ái toan
- Tăng số lượng tế bào lympho trong lớp niêm mạc của thực quản
- Sử dụng một số thuốc như: nhóm thuốc NSAIDs ( Aspirin, Ibuprofen, Naproxen ), thuốc kháng sinh ( Tetracycline và Doxycycline ), Kali clorua, Alendronate, Quinidine,…
- Nhiễm trùng. Thường gặp ở những người có sức đề kháng yếu như bệnh nhân bị HIV hoặc ung thư.
Triệu chứng viêm loét thực quản
Các triệu chứng phổ biến gồm:
- Khó nuốt và nuốt đau
- Ợ nóng
- Cảm giác nuốt nước bọt vướng như có khối u
- Buồn nôn và nôn
- Đau tức ngực
Bên cạnh đó, nếu nguyên nhân gây viêm loét là do nhiễm trùng thì người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng như sốt, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi,…
Các triệu chứng của viêm loét thực quản rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do vậy, ngay khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và kiểm tra. Tránh trường hợp chủ quan, đến lúc phát hiện thì tình trạng đã nặng và nguy hiểm tới sức khoẻ!
Viêm loét thực quản có nguy hiểm không?
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, viêm loét thực quản có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như:
- Gây hẹp thực quản. Viêm loét khi lành có thể để lại sẹo, sẹo càng to thì thực quản càng hẹp. Khi di chuyển thức ăn từ thực quản đến dạ dày sẽ gây hiện tượng khó nuốt, nuốt nghẹn.
- Rách mô lót thực quản. Khi thức ăn đi qua chỗ viêm loét có thể bị mắc kẹt lại ở đó. Nguy hiểm hơn là nuốt thức ăn cứng sẽ gây rách mô lót thực quản gây đau đớn.
- Barrett thực quản. Các tế bào lót trong thực quản thay đổi cấu trúc và tăng sinh bất thường. Chúng làm tăng nguy cơ ung thư thực quản!
Xem thêm: Barrett thực quản nguy hiểm như thế nào? Dấu hiệu phát hiện
Chẩn đoán viêm loét thực quản
Dựa trên các triệu chứng mà bạn gặp phải, tình trạng sức khoẻ mà bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm để chẩn đoán chắc chắn hơn. Một số xét nghiệm bao gồm:
Nội soi dạ dày – thực quản
Các bác sĩ sẽ đưa 1 ống nội soi dài, mỏng có trang bị camera cuống cổ họng và đến thực quản. Bằng phương pháp này, bác sĩ có thể phát hiện được các vết thương, viêm loét trên niêm mạc thực quản. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể thu thập một mẫu mô để tiến hành sinh thiết. Xác định sự lành tính hay ác tinh của tế bào.
Xem thêm: Những điều cần biết trước khi tiến hành nội soi dạ dày
Chụp X – quang thực quản
Đối với xét nghiệm này, bạn sẽ uống 1 dung dịch hoặc 1 viên thuốc chứa Bari. Bari bao phủ niêm mạc thực quản và dạ dày hiện hình ảnh X – quang sẽ được chiếu trên phim chụp. Thông quá phim chụp này, bác sĩ có thể biết được các tình trạng như hẹp thực quản, thay đổi cấu trúc khác ở thực quản, thoát vị gián đoan, khối u bất thường.
Một số xét nghiệm khác
Một số xét nghiệm khác cũng có thể được tiến hành để xác định nguyên nhân gây viêm loét thực quản như:
- Xét nghiệm chẩn đoán nhiễm trùng
- Xác định nồng độ tế bào bạch cầu
- Xác định tế bào bất thường chỉ ra ung thư hoặc thay đổi tiền ung thư
Khi chẩn đoán chính xác được bệnh, xác định được nguyên nhân gây viêm loét thì bác sĩ sẽ đưa ra được phương pháp điều trị phù hợp.
Điều trị viêm loét thực quản
Điều trị viêm loét phụ thuốc nhiều vào nguyên nhân gây bệnh. Thường kết hợp điều trị viêm cùng điều trị nguyên nhân để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Điều trị viêm loét thực quản do trào ngược
- Sử dụng thuốc: Thuốc ức chế tiết axit ( omeprazol, esomeprazol, lansoprazol, cimetidin,…), thuốc trung hoà axit dịch vị ( antacid),…
- Thay đổi lối sống: Người bệnh cần kết hợp giữa việc sử dụng thuốc cùng thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
- Phẫu thuật khi sử dụng thuốc và thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả.
Tìm hiểu chi tiết tại: Các phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản hiện nay
Viêm loét thực quản do tăng bạch cầu ái toan
Điều trị viêm thực quản do tăng bạch cầu ái toan chủ yếu là tránh chất gây dị ứng và giảm phản ứng dị ứng với thuốc. Thuốc có thể bao gồm:
- Thuốc ức chế bơm proton: esomeprazole, lansoprazole, omeprazole hoặc pantoprazole.
- Thuốc chống viêm Steroid: fluticasone (Flovent) và budesonide (Pulmicort)
- Tránh xa thực phẩm gây dị ứng
Điều trị viêm loét thực quản do thuốc
Điều trị viêm thực quản do thuốc chủ yếu là tránh dùng thuốc gây loét hoặc giảm nguy cơ loét bằng thói quen uống thuốc tốt hơn. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị:
- Dùng một loại thuốc thay thế ít có khả năng gây viêm loét thực quản do thuốc hơn
- Chuyển sang dùng thuốc dạng lỏng
- Uống nguyên một cốc nước khi nuốt viên thuốc
- Ngồi hoặc đứng ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc
Điều trị viêm thực quản nhiễm trùng
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng gây viêm thực quản truyền nhiễm.
Viêm loét thực quản ăn gì? Kiêng gì?
Trong khi bị viêm loét thực quản, bạn có thể áp dụng một số cách ăn uống và sinh hoạt để giúp các triệu chứng dễ chịu hơn. Ví dụ:
- Kiêng thức ăn cay như tiêu, ớt bột, cà ri và nhục đậu khấu.
- Kiêng thức ăn cứng như các loại hạt, bánh quy giòn và rau sống.
- Tránh thực phẩm và đồ uống có tính axit như cà chua, cam, bưởi và nước trái cây từ các loại hoa quả này
- Hạn chế tối đa thức ăn có caffeine, sô cô la và hương bạc hà, thực phẩm nhiều dầu mỡ
- Không uống rượu bia, hút thuốc lá
- Ăn thực phẩm mềm như sốt táo, ngũ cốc nấu chín, khoai tây nghiền, sữa trứng , bánh pudding.
- Cố gắng không ăn trước khi đi ngủ. Tốt nhất nên ngủ cách bữa ăn 3 tiếng đồng hồ
- Hãy cắn từng miếng nhỏ và nhai kỹ thức ăn.
Trên đây là một số thông tin chia sẻ về tình trạng Loét thực quản. Cảm ơn sự theo dõi của bạn và chúc bạn sức khỏe!
Lưu ý: Những thông tin chúng tôi cung cấp trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh.