Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân và dấu hiệu

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân và dấu hiệu

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh xảy ra ở hầu hết các trẻ, đặc biệt là từ 2 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi. Bệnh không những gây ra các biểu hiện khó chịu cho bé mà còn khiến các mẹ bỉm sữa vô cùng lo lắng. Không biết có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của bé không.

Đọc ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ về trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh. 

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là gì?

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh xảy ra khi thức ăn, dịch vị trào ngược từ dạ dày lên thực quản của trẻ. Trẻ dễ bị nôn, trớ thức ăn ra ngoài.

Tình trạng này xảy ra ở hầu hết trẻ sơ sinh, thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ 2 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi. Sau đó, bắt đầu giảm dần sau 7 tháng. Và thường khỏi khi trẻ khoảng 18 tháng tuổi. Đây được gọi là trào ngược sinh lý.

Việc trẻ vẫn tiếp tục bị trào ngược sau 18 tháng tuổi là bất thường và có nguy cơ phát triển trào ngược bệnh lý. Lúc này mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân phổ biến nhất gây trào ngược ở trẻ sơ sinh là do cơ vòng thực quản dưới ( van dạ dày ) chưa phát triển hoàn thiện.

Ở người trưởng thành khỏe mạnh, cơ vòng này chỉ mở ra khỉ nuốt thức ăn. Sau đó đóng lại để ngăn hiện tượng trào ngược. Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh cơ vòng này vẫn còn yếu và mở ra cho phép các chất và thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản.

Một số yếu tố thúc đẩy trào ngược ở trẻ sơ sinh:

  • Nằm quá nhiều
  • Bú sữa quá no
  • Chế độ ăn uống gần như chỉ toàn chất lỏng
  • Sinh non
Nguyên nhân chủ yếu là do cơ vòng thực quản dưới của trẻ chưa phát triển

Nguyên nhân chủ yếu là do cơ vòng thực quản dưới của trẻ chưa phát triển

Bên cạnh đó, trẻ mắc một số bệnh lý ảnh hưởng như:

  • Bệnh phổi mãn tính
  • Dị ứng thức ăn ( thường gặp nhất là dị ứng sữa bò )
  • Liệt dạ dày
  • Các bệnh chuyển hoá như: không dung nạp galactose, không dung nạp fructose di truyền, không dung nạp lactose,…
  • Các bất thường về giải phẫu như hẹp môn vị, dị tật,…

Xác định chính xác nguyên nhân gây trào ngược sẽ dễ dàng hơn để có phương pháp điều trị đúng.

Xem thêm: Những thông tin cần biết về bệnh trào ngược dạ dày – thực quản

Dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nói chung không biểu hiện nhiều dấu hiệu nghiêm trọng. Mẹ cần lưu ý một số dấu hiệu sau:

  • Trẻ nôn trớ thường xuyên
  • Khó chịu, bỏ bú
  • Một số triệu chứng về hô hấp như ho, thở khò khè
  • Trẻ không tăng cân hoặc giảm cân
  • Hiếm gặp: trẻ sơ sinh bị ngừng thở hoặc từng đợt ưỡn lưng và quay đầu sang một bên ( Hội chứng Sandifer )

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Biến chứng chủ yếu do trào ngược là tổn thương do axit dạ dày và trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng do thức ăn thường xuyên bị nôn ra ngoài.

Axit dạ dày có thể gây tổn thương thực quản, thanh quản và đường hô hấp. Lâu dần gây viêm thực quản, viêm đường hô hấp dẫn tới các biểu hiện như ho, khó thở, thở khò khè, trẻ biếng ăn.

Mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay khi thấy bé có các biểu hiện:

  • Liên tục khạc mạnh, nôn ra chất lỏng màu xanh lá cây hoặc màu vàng
  • Khạc ra máu hoặc chất như bã cà phê
  • Có máu trong phân
  • Khó thở hoặc ho kéo dài
  • Khó chịu bất thường sau khi ăn
  • Trẻ không ăn uống

Khi nhận thấy các dấu hiệu này, mẹ nên sớm đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Tránh chủ quan có thể gây ra biến chứng nguy hiểm.

Các phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán trào ngược, bác sĩ sẽ bắt đầu thăm khám và hỏi mẹ về các dấu hiệu bé gặp phải. Nếu các dấu hiệu là bình thường và thường gặp thì không cần xét nghiệm.

Tuy nhiên  trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện các xét nghiệm cho bé như:

  • Siêu âm: có thể phát hiện hẹp môn vị
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: chẩn đoán nguyên nhân gây nôn mửa và kém tăng cân.
  • Theo dõi pH thực quản: Đo nồng độ axit trong thực quản của bé. Bác sĩ sẽ đưa một sống mỏng qua mũi hoặc miệng của bé và vào trong thực quản. Ống này có thể đo được pH thực quản.
  • Chụp X –  quang: Có thể phát hiện những bất thường trong đường tiêu hoá, như tắc nghẽn.
  • Nội soi dạ dày – thực quản. Ống nội soi được đưa qua miệng của bé, vào thực quản, đến dạ dày và phần đầu ruột non để phát hiện các bất thường. Trong quá trình nội soi có thể lấy một mẫu mô để đem đi sinh thiết. Quá trình này thường được gây mê toàn thân trước khi thực hiện.

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh

Trong nhiều trường hợp, thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt có thể cải thiện được tình trạng trào ngược cho đến khi tự khỏi.

Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp cần sử dụng đến thuốc và phẫu thuật để điều trị.

Sử dụng thuốc

Thuốc trị trào ngược  không được khuyến cáo cho trẻ em bị trào ngược nhưng không có biến chứng.

Trong các trường hợp như:

  • Các triệu chứng nặng, tăng cân kém
  • Trẻ không ăn uống được
  • Thực quản bị viêm
  • Bị hen suyễn mãn tính

Trong các trường hợp này, bác sĩ có thể kê đơn sử dụng một số loại thuốc ngăn chặn axit dạ dày. Như cimetidine (Tagamet HB) hoặc famotidine (Pepcid AC) cho trẻ sơ sinh từ 1 tháng đến 1 tuổi hoặc omeprazole magiê (Prilosec) cho trẻ từ 1 tuổi trở lên.

Xem thêm: TOP 5 Thuốc Trị Trào Ngược Dạ Dày Sử Dụng Nhiều Nhất Hiện Nay

Phẫu thuật

Thông thường không cần sử dụng phẫu thuật để điều trị trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ bị trào ngược nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng thì có thể thực hiện phẫu thuật. Thảo luận với bác sĩ về lợi ích và nguy cơ của phẫu thuật.

Các biện pháp khắc phục tại nhà  giúp giảm trào ngược ở trẻ sơ sinh

Áp dụng các biện pháp giúp cải thiện trào ngược cho bé

Áp dụng các biện pháp giúp cải thiện trào ngược cho bé

Để giảm thiểu trào ngược cho bé, mẹ có thể tham khảo các biện pháp sau:

  • Cho bé bú ở tư thế thẳng đứng. Nên bế trẻ ở tư thế ngồi trong 30 phút sau khi cho con bú. Lưu ý không hoạt động mạnh, xô đẩy khi trẻ vừa bú xong.
  • Cho bé bú nhiều lần với lượng ít hơn
  • Giúp bé ợ hơi
  • Đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ

Nhìn chung, trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh thường ít gây nguy hiểm. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên chủ quan mà cần theo dõi trẻ và có những bước xử trí phù hợp. Chúc mẹ và bé nhiều sức khoẻ!

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *